Tin tức dự án
Công trình hầm xuyên đèo Hoàng Liên sẽ chính thức khởi công vào tháng 10/2025, nối Lai Châu và Lào Cai, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng.
Dự án hầm đường bộ xuyên đèo Hoàng Liên – tuyến hầm dài nhất cả nước – đang bước vào giai đoạn hoàn tất các thủ tục pháp lý để kịp khởi công vào tháng 10 năm nay. Đây là công trình giao thông trọng điểm có vai trò kết nối hai tỉnh vùng cao Tây Bắc là Lai Châu và Lào Cai.
Tổng mức đầu tư ước tính 3.300 tỷ đồng, trong đó 2.500 tỷ từ ngân sách Trung ương, phần còn lại do tỉnh Lai Châu và các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Ông Trần Viết Điệp – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Lai Châu – cho biết đơn vị tư vấn thiết kế đã được lựa chọn, hiện đang tiến hành khảo sát, lập hồ sơ kỹ thuật. Dự kiến đến cuối tháng 6/2025, hồ sơ thiết kế sẽ được trình Bộ Xây dựng thẩm định.
Về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt chuyển hơn 23,8ha rừng sang mục đích khác, phối hợp kiểm kê và thanh lý theo đúng quy định. Phía Lào Cai cũng đang đẩy nhanh hồ sơ để chuyển đổi thêm 8,82ha rừng, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, hầm Hoàng Liên có tổng chiều dài tuyến khoảng 8,8km, trong đó đoạn qua Lai Châu dài 4,6km và đoạn qua Lào Cai dài 4,2km. Hầm chính dài 2,63km, hầm phụ dài 2,65km. Tuyến đường sẽ kết nối từ Km78+00 Quốc lộ 4D (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) đến đường D1 quy hoạch tại phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa.
Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tốc độ khai thác 60km/h, nền đường rộng 9m. Hệ thống kết cấu bao gồm cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, hệ thống thoát nước, biển báo, phòng hộ đồng bộ và tải trọng HL-93 theo tiêu chuẩn TCVN 11823:2017.
Đặc biệt, hầm được thiết kế theo chuẩn Nhật Bản kết hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 4528:1988), gồm hai ống hầm cách nhau 30m. Hầm chính có mặt cắt rộng 9,75m, cao 5m, cho phép hai làn xe cơ giới lưu thông hai chiều. Hầm phụ và các hầm ngang rộng 4,7m phục vụ thoát hiểm và cứu nạn. Một trung tâm cứu hộ – vận hành hầm cũng sẽ được xây dựng để đảm bảo an toàn khai thác.
Tuyến hầm đi về phía bên phải Quốc lộ 4D (hướng Lai Châu – Sa Pa), cắt qua khu vực suối gần trại cá hồi, xuyên đỉnh đèo Hoàng Liên, men theo suối Thác Bạc và kết nối với đường D1 tại Km8+800.
Sau khi hoàn thành, hầm Hoàng Liên không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Lai Châu và Lào Cai mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, du lịch, giao thương cho toàn khu vực Tây Bắc – nơi đèo Hoàng Liên (hay còn gọi là Ô Quy Hồ, đèo Mây) là điểm đến nổi tiếng với cảnh quan hùng vĩ và địa thế hiểm trở.