Tin tức quy hoạch
Phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đất Vàng Việt Nam gửi tới bạn đọc Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phát triển là xây dựng và phát triển Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, vì cả nước, cùng cả nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo định hướng: kinh tế xanh, xã hội văn minh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh và môi trường bền vững; phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ.
Xem thêm: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu đô thị Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội
Mục tiêu tổng quát là phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là Thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể đến năm 2030, về kinh tế, Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD.
Tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27% (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 22%), khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt trên 40% GRDP.
Về xã hội, dự báo quy mô dân số thực tế thường trú của Thành phố đến năm 2030 là khoảng 11,0 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%; tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%.
Ba đột phá phát triển chính của Quy hoạch bao gồm: Đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị.
Đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không giao hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và đảm bảo anh sinh xã hội, hoàn thiện, phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; quy hoạch không gian dọc sông Sài Gòn để phát triển du lịch xanh kết hợp đảm bảo an ninh nguồn nước.
Đột phá trong phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược, trong đó chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả ba yếu tố: công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về phương hướng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, Quyết định nêu rõ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao sinh thái và hữu cơ theo định hướng nông nghiệp giá trị cao, trên cơ sở lai tạo, nhân giống cây trồng vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới với năng suất cao, thân thiện môi trường, nông nghiệp xanh và bền vững gắn với giảm thiểu phát thải cacbon, gắn với du lịch.
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tây - Bắc, Tây - Nam và khu vực Nam Thành phố; tập trung vào các sản phẩm có chất lượng cao, có lợi thế.
Lâm nghiệp: bảo vệ và phát triển rừng trên đất quy hoạch lâm nghiệp gắn với dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng phòng hộ Cần Giờ khoảng 200ha.
Thủy sản: phát triển Trung tâm thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ phục vụ cho chế biến sâu kết hợp cảng cá. Phát triển diện tích tôm nước lợ khoảng 4.476 ha; nuôi thủy sản trên biển khoảng 1.000ha; nuôi, nhân giống cá cảnh khoảng 100 ha; xây dựng trung tâm giao dịch cá cảnh mới kết hợp hoạt động du lịch.
Diêm nghiệp: duy trì vùng sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao khoảng 1.080ha, bảo tồn làng nghệ muối xã Lý Nhơn gắn với du lịch.
Về định hướng phát triển các ngành công nghiệp - xây dựng:
Về công nghiệp: (i) phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; ngành hóa chất (chọn lọc: hóa dược, cao su - nhựa kỹ thuật và phân bón); ngành cơ khí chính xác, tự động hóa; ngành chế biến thực phẩm và đồ uống,...; (ii) phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng như công nghiệp sinh hóa; công nghiệp dược phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao,...; (iii) tái cấu trúc và nâng cao giá trị gia tăng các ngành công nghiệp hiện hữu như giày da, quần áo, dệt may; nội thất, gỗ; các ngành khác.
Tập trung vào làm chủ công nghệ và phát triển toàn diện hệ sinh thái hỗ trợ; thu hút doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển; hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả thương mại của các ngành công nghiệp hiện hữu gắn với tự động hóa, phát triển bền vững.
Xây dựng: phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững theo hướng thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại, vật liệu mới, sử dụng năng lượng tái tạo.
Về phát triển ngành thương mại và dịch vụ, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại. Phát triển dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa thể thao, giáo dục, y tế, logistics.
Các ngành thương mại, dịch vụ giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển kinh tế của Thành phố: tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ đạt trên 60% GRDP; tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030 đạt 8,6%/năm, trong đó: (i) thương mại tăng trưởng trên 10%/năm; (ii) logistics tăng trưởng trên 10%/năm; (iii) tài chính - ngân hàng tăng trưởng trên 12%/năm; (iv) thông tin truyền thông tăng trưởng khoảng 12-15%/năm; (v) du lịch tăng trưởng trên 8,5%; 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 50 triệu lượt khách du lịch nội địa; (vi) tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa bình quân khoảng 12%/năm, doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 7-8% GRDP Thành phố.
Xem thêm: Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Trên đây là thông tin Phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Đất Vàng Việt Nam muốn chia sẻ với bạn.
Ngoài ra, tại chuyên mục Thông tin quy hoạch của Đất Vàng Việt Nam cũng thường xuyên cập nhật những thông tin quy hoạch nhanh chóng, chính xác nhất. Truy cập website để cập nhật thông tin mới nhất về quy hoạch chung và tin tức nóng hổi từ thị trường bất động sản toàn quốc.
Đất vàng Việt Nam
Nền tảng tra cứu dữ liệu liên thông Quy hoạch - Dự án - Giá đất
Big Data chính xác, phong phú, minh bạch cho nhà đầu tư và mọi đối tượng khách hàng.