Tin tức dự án
Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện này được xác định là một trong ba hướng đột phá về không gian đô thị của thành phố Hải Phòng, là Trung tâm hành chính, chính trị thành phố, Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Hải phòng dự kiến sẽ thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương và điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng quận Hồng Bàng.
Xem thêm: Bản đồ quy hoạch quận Hồng Bàng
UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch 222/KH-UBND thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 – 2025, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành.
Đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân và dư luận xã hội trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Kế hoạch yêu cầu, việc triển khai thực hiện và hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 phải theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy; gắn với việc thực hiện các Đề án: thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương và điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng quận Hồng Bàng.
Tham khảo: Bản đồ quy hoạch huyện An Dương
Kế hoạch phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; xây dựng lộ trình cụ thể, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương.
Theo đó, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn thành phố phải có quyết tâm chính trị cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, 2024 và các năm tiếp theo, kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.
Bên cạnh đó, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải hợp lý, khoa học, đảm bảo đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả.
UBND thành phố Hải Phòng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2023 - 2025.
Trước đó, vào năm 2020. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên như đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố.
Theo tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về việc xin chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Thủy Nguyên được xác định là một trong ba hướng đột phá về không gian đô thị của thành phố Hải Phòng, là Trung tâm hành chính, chính trị thành phố, Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị.
Huyện Thủy Nguyên nằm ở cửa ngõ phía Bắc thành phố Hải Phòng
- Diện tích tự nhiên: 262 km2
- Dân số: trên 340.000 người (lớn nhất trong số các quận. huyện ở Hải Phòng, gần bằng quận Hoàng Mai, Hà Nội)
- Đơn vị hành chính: 35 xã, 2 thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi
Tận dụng tối đa các thế mạnh của một vùng đất giàu tiềm năng kinh tế, đa dạng về ngành nghề, Thủy Nguyên đã nắm bắt thời cơ, khai thác tối đa những tiềm năng sẵn có.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm được chú trọng, đàn lợn, gia cầm tăng theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển mạnh về số lượng và quy mô. Bên cạnh chăn nuôi, huyện đã tiến hành quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản, lập các dự án nuôi tập trung theo phương pháp bán thâm canh và công nghiệp.
Xem ngay: Bản đồ quy hoạch huyện Thủy Nguyên Hải Phòng
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 20 xí nghiệp, nhà máy, hàng trăm cơ sở sản xuất - kinh doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động đã tạo lập môi trường sản xuất - kinh doanh sôi động, cạnh tranh lành mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn huyện.
Cùng với những thành tựu đạt được, Thuỷ Nguyên còn đón nhận nhiều dự án lớn đang được đầu tư trên địa bàn như: tuyến Quốc lộ 10 từ Bến Kiền, Đá Bạc sang Quảng Ninh; nhà máy nhiệt điện 600 MW (xã Tam Hưng); Nhà máy Xi măng Hải Phòng (thị trấn Minh Đức); mở rộng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Nam Triệu.... Đây sẽ là những nền tảng cơ bản cho sự phát triển của Thuỷ Nguyên trong tương lai.
Mặt khác, huyện này cũng có lợi thế của vùng ven đô giáp hải cảng, có điều kiện phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ với nhiều thắng cảnh đẹp như: hồ Sông Giá, hang Lương, hang Vua, khu vực núi Tràng Kênh... và nhiều công trình kiến trúc độc đáo, đền thờ, miếu mạo đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng cùng với những lễ hội truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hệ thống giao thông vận tải của huyện đang phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý phương tiện, giải tỏa hành lang an toàn giao thông được tăng cường, thường xuyên thực hiện chế độ duy tu, sửa chữa hệ thống đường sá.
Nguồn: cafef