Bạn cần biết

arrowarrow

Bản đồ quy hoạch huyện Phú Xuyên, Hà Nội mới nhất 2023

Bản đồ quy hoạch huyện Phú Xuyên, Hà Nội mới nhất 2023

calendar29 tháng 8, 2023

Phú Xuyên một huyện ngoại thành nằm ở phía nam thành phố Hà Nội. Trong bài viết này, Đất Vàng Việt Nam sẽ cập nhật những thông tin về bản đồ quy hoạch huyện Phú Xuyên để giúp việc tra cứu quy hoạch của bạn dễ dàng hơn.

news

Tổng quan về huyện Phú Xuyên

Vị trí địa lý

Theo bản đồ quy hoạch huyện Phú Xuyên, huyện có diện tích 170,8 km2, dân số là 229.847 người nằm ở phía nam của thủ đô Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 30 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 60 km, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 110 km, có vị trí địa lý:

  • Phía đông giáp huyện Khoái Châu và huyện Kim Động thuộc tỉnh Hưng Yên

  • Phía tây giáp huyện Ứng Hòa

  • Phía nam giáp thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

  • Phía bắc giáp huyện Thường Tín và huyện Thanh Oai

Đơn vị hành chính

Huyện Phú Xuyên hiện có 27 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Phú Xuyên (huyện lỵ), Phú Minh và 25 xã: Bạch Hạ, Châu Can, Chuyên Mỹ, Đại Thắng, Đại Xuyên, Hoàng Long, Hồng Minh, Hồng Thái, Khai Thái, Minh Tân, Nam Phong, Nam Tiến, Nam Triều, Phú Túc, Phú Yên, Phúc Tiến, Phượng Dực, Quang Lãng, Quang Trung, Sơn Hà, Tân Dân, Tri Thủy, Tri Trung, Văn Hoàng, Vân Từ.

Bản đồ hành chính huyện Bình Xuyên
Bản đồ hành chính huyện Bình Xuyên

Xem thêm: Bản đồ quy hoạch huyện Ứng Hòa, Hà Nội mới nhất 2023

Các hạng mục trong bản đồ quy hoạch huyện Phú Xuyên

Căn cứ theo Quyết định số 5517/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Phú Xuyên đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000. Dưới đây, Đất Vàng Việt Nam sẽ cung cấp tới mọi người các hạng mục trong bản đồ quy hoạch huyện Phú Xuyên, cụ thể:

Quy hoạch phát triển không gian xanh

- Không gian xanh của huyện Phú Xuyên gồm: Vùng nông nghiệp, mặt nước, không gian xanh trong các điểm dân cư nông thôn và cây xanh, mặt nước trong đô thị vệ tinh, nông nghiệp đô thị.

- Vùng nông nghiệp chủ yếu nằm trong Hành lang xanh Thủ đô Hà Nội. Duy trì vùng trồng lúa, trồng màu, hoa, cây cảnh, vùng trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản... phát triển nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường và sản xuất quy mô lớn.

- Vùng nông nghiệp dự kiến phát triển đô thị vệ tinh, khi chưa có nhu cầu xây dựng tiếp tục duy trì các hoạt động trồng lúa, trồng màu, hoa, cây cảnh, vùng trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, phù hợp với tiến độ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng, từng giai đoạn phát triển, mở rộng đô thị.

- Mặt nước: Giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước. Thiết lập hành lang bảo vệ Nhuệ, sông Hồng và hệ thống thủy văn của Huyện; hồ và trục cảnh quan trong đô thị vệ tinh, trong các điểm dân cư nông thôn, tăng cường khả năng thoát nước đô thị và phát triển du lịch sinh thái gắn cảnh quan nông nghiệp, văn hóa, lịch sử của Vùng Huyện.

Toàn cảnh hoàng hôn tại sông Hồng
Toàn cảnh hoàng hôn tại sông Hồng

- Cây xanh, mặt nước trong đô thị: Xây dựng hệ thống công viên, vườn hoa theo quy hoạch đô thị được duyệt, như công viên văn hóa, giải trí, công viên chuyên đề..., phát triển mô hình nông nghiệp đô thị để khuyến khích các hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vườn cây ăn quả, vườn cây kinh tế trong các đô thị vệ tinh.

- Không gian xanh trong điểm dân cư nông thôn: Duy trì các không gian hồ, ao lạch nước, đất nông nghiệp xen kẹt, không gian trống trong điểm dân cư nông thôn, như vườn hộ gia đình, phát triển mô hình kinh tế sinh thái để khai thác nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo thu nhập, đồng thời kiểm soát mật độ xây dựng.

Xem thêm: Bản đồ quy hoạch huyện Thường Tín, Hà Nội mới nhất 2023

Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (TTCN)

- Hệ thống khu công nghiệp phụ trợ (dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, lắp ráp ô tô,...), các ngành công nghiệp sinh học-phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao), nguyên-liệu đầu vào từ vùng phát triển nông nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam Hà Nội.

- Hệ thống TTCN-làng nghề: Phát triển các cụm, cụm công nghiệp làng nghề mới gắn với việc phát triển của các làng nghề truyền thống, làng nghề phục vụ xuất khẩu và các làng nghề mới mở tại các xã.

- Xây dựng 5 điểm TTCN, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tại 5 trung tâm cụm xã (cụm đổi mới): Văn Hoàng, Hoàng Long, Châu Can, Hồng Thái và Minh Tân. Xây dựng 12 cụm công nghiệp - làng nghề tại các xã: Văn Hoàng, Hoàng Long; Chuyên Mỹ, Phú Túc, Phú Yên, Vân Từ, quy mô 5-7 ha/cụm công nghiệp-làng nghề.

- Phát triển công nghiệp, TTCN phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với du lịch sinh thái, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm truyền thống.

- Hệ thống điểm giết mổ, chế biến gia súc tại 2 vùng chăn nuôi tại xã Quang Lãng và Tri Thủy.

Du lịch

- Huyện Phú Xuyên được định hướng các sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng: vùng trồng trọt, vùng sản xuất nông nghiệp tổng hợp, vùng nuôi trồng thủy sản, thủy cầm kết hợp hệ thống điểm di tích, làng nghề.

- Liên kết các vùng du lịch với các tuyển du lịch quốc gia (CT5B, CT1B) với trục du lịch sinh thái sông Hồng. Hệ thống trung tâm du lịch, làng nghề, điểm di tích thăm quan, bến thuyền, trung tâm cụm xã là các điểm kết nối của các tuyến du lịch.

- Liên kết các tuyến và sản phẩm du lịch của Huyện với Vùng du lịch tại Quan Sơn - Hương Sơn thông qua các tuyến liên vùng CT5B, trục Đỗ Xá - Quan Sơn.

- Liên kết các tuyến và sản phẩm du lịch của Huyện với tuyến và điểm du lịch trong vành đai xanh thông qua Tuyến Nam Hà Đông - Phú Xuyên, Tuyến trục KT-XH Bắc-Nam, trục sông Nhuệ.

Thương mại - dịch vụ

- Trung tâm thương mại cấp Thành phố gồm có: Chợ đầu mối, nông sản cấp Thành phố vị trí tại phía Nam đô thị; Trung tâm bán buôn hàng công nghiệp tiêu dùng cấp Thành phố vị trí tại khu vực trung tâm Phú Minh;...

- Trung tâm thương mại đô thị vệ tinh Phú Xuyên (gồm có: siêu thị hạng II, hạng III); Chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm và chợ bán lẻ hạng 2 ở các phường.

- Trung tâm thương mại cấp huyện Phú Xuyên gồm có: Khu TM dịch vụ tổng hợp của Huyện tại thị trấn Phú Xuyên; Trung tâm vui chơi giải trí thị trấn Phú Xuyên,

- Toàn huyện có 30 chợ, trong đó nâng cấp 16 chợ, xây mới 14 chợ.

Xem thêm: Bản đồ quy hoạch huyện Thanh Oai, Hà Nội mới nhất 2023

Kinh doanh khí hóa lỏng, xăng dầu

- Cải tạo nâng cấp các cơ sở hiện có (tập trung các cơ cơ sở Phúc Tiến, Mạnh Thắng và Yên Linh,...), tập trung xây mới các cửa hàng loại II và loại III đến 2020 (dự kiến 3 cửa hàng loại II, 5 cửa hàng loại III).

Quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội

Công trình hành chính, trụ sở cơ quan Huyện

- Thị trấn Phú Xuyên có vị trí tại phía Bắc của Huyện, là Trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ tổng hợp, TDTT huyện Phú Xuyên. Trong giai đoạn dài hạn thị trấn được mở rộng về phía Bắc, sẽ được gắn kết với không gian của đô thị vệ tinh thành một cấu trúc đồ thị thống nhất.

- Trung tâm hành chính Đô thị vệ tinh có vị trí tại các xã Đại Thắng và Quang Trung có vai trò là trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại của đô thị vệ tinh. Trong giai đoạn dài hạn khi cấu trúc đô thị vệ tinh hình thành đầy đủ, khi đó, trung tâm thị trấn Phú Xuyên sẽ là trung tâm phía Nam thuộc đô thị vệ tinh.

UBND huyện Phú Xuyên
UBND huyện Phú Xuyên

Xem thêm: Quy hoạch phân khu đô thị GS(A) thành phố Hà Nội, tỷ lệ 1/5000

Công trình hành chính, trụ sở cơ quan cấp xã

- Xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình chưa đủ quy mô diện tích, cơ sở vật chất.

Công trình văn hóa, TDTT

- Công trình văn hóa: bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, các hình thức văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống. Xây dựng mới các trung tâm văn hóa xã theo quy hoạch đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt, văn hóa tại các xã - cụm dân cư.

- Công trình TDTT cấp Huyện: cải tạo và nâng cấp các sân bãi TDTT hiện có, xây dựng mới sân bãi TDTT các xã có khả năng đáp ứng về quỹ đất xây dựng, đảm bảo nhu cầu TDTT của nhân dân.

Bản đồ định hướng phát triển không gian đô thị huyện Phú Xuyên
Bản đồ định hướng phát triển không gian đô thị huyện Phú Xuyên

Giáo dục - đào tạo

- Trung tâm cụm trường Đào tạo Vùng tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên có chức năng: Đại học và cao đẳng: Kỹ thuật công nghiệp và hướng nghiệp nghề. Quy mô khoảng 130 ha, cung cấp nguồn nhân lực cho vùng phía Nam Hà Nội.

- Giáo dục các cấp: nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới 36 trường mầm non, 32 trường Tiểu học, 31 trường Trung học cơ sở, 5 trường Trung học phổ thông. Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành.

- Giáo dục thường xuyên: mở rộng và cải tạo Trung tâm giáo dục thường xuyên tại thị trấn của Huyện. Các cơ sở đào tạo khác được nâng cấp, cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ. Đến năm 2030, huyện Phú Xuyên sẽ có từ 5-7 cơ sở dạy nghề.

- Hệ thống giáo dục, đào tạo cần tuân thủ theo các quy hoạch chuyên ngành đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Xem thêm: Quy hoạch phân khu đô thị S5, thành phố Hà Nội đến năm 2030

Y tế

- Tổ hợp y tế Vùng bố trí: Các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của Trung ương đạt tiêu chuẩn hạng I hoặc hạng đặc biệt, Hệ thống cơ sở 2 cho các bệnh viện Trung ương và Thành phố, hệ thống khám chữa bệnh ngoài công lập. Ưu tiên phát triển bệnh viện tư nhân và các dịch vụ y tế tư nhân sử dụng công nghệ y học cao.

- Cơ-sở y tế cấp Huyện: Cải tạo, mở rộng Bệnh viện Đa khoa Huyện 300 giường (4,1 ha), Phòng khám đa khoa Huyện, Mạng lưới Y tế dự phòng phục vụ theo các cấp theo quỹ đất dịch vụ công cộng; Mạng lưới trạm y tế xã, thị trấn, khu đô thị mới theo tiêu chuẩn 8000 dân/1 trạm y tế mới (có bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền); dự kiến xây dựng Bệnh viện cấp cứu vệ tinh, quy mô 1,5ha.

- Hệ thống y tế cần tuân thủ theo các quy hoạch chuyên ngành đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Hệ thống di tích lịch sử văn hóa

- Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống làng nghề truyền thống, di tích văn hóa, lịch sử đã được xếp hạng (38 làng nghề truyền thống; Hệ thống di tích cấp Bộ và cấp Thành phố đã xếp hạng) và hệ thống cảnh quan gắn với hệ thống thủy văn, đặc trưng của Huyện.

- Các khu di tích được xếp hạng cần bảo tồn, chỉnh trang cải tạo; nghiên cứu các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị, quy hoạch cải tạo chỉnh trang tái phát triển ở các nghiên cứu chuyển ngành cụ thể, xác định ranh giới kiểm soát và hành lang bảo vệ.

Quy hoạch giao thông

Hệ thống giao thông đối ngoại

Đường sắt:

- Cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam thành đường đôi khổ 1435mm. Xây dựng mới ga Phú Xuyên trên tuyến tại vị trí cách ga hiện có khoảng 1,8km về phía Bắc, chức năng là ga trung gian lập tàu hàng, quy mô khoảng 22ha.

- Xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi song song về phía Tây đường sắt hiện có, bề rộng hành lang tuyến khoảng 40m. Đoạn qua phía Nam huyện Phú Xuyên nghiên cứu 02 phương án hướng tuyến để kết nối với đoạn tuyến tiếp theo qua địa phận tỉnh Hà Nam. Nghiên cứu bố trí Depot của tuyến tại khu vực xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, quy mô khoảng 60ha.

- Phương án xây dựng các tuyến đường sắt Quốc gia và bản vẽ tổng mặt bằng các ga, Depot trên tuyến sẽ được xác định cụ thể theo dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đường thủy:

- Cải tạo luồng lạch, nâng cấp sông Hồng thành tuyến vận tải thủy cấp I. Cải tạo, nâng cấp cảng Vạn Điểm – Phú Xuyên đạt công suất đến năm 2030: 2,5 triệu tấn/năm, cỡ tàu 800T.

- Cải tạo sông Nhuệ, sông Lương, sông Duy Tiên, sông Vân Đình phục vụ mục đích du lịch, tiêu thoát nước và tưới tiêu thủy lợi.

Đường bộ:

- Quốc lộ 1A: nâng cấp, cải tạo mở rộng Quốc lộ 1A với quy mô bề rộng mặt cắt ngang điển hình B = 30-36m (4 làn xe cơ giới). Đoạn tuyến qua phạm vi đô thị vệ tinh Phú Xuyên xây dựng mở rộng theo tiêu chuẩn đường đô thị, quy mô mặt cắt ngang B = 30-36m (4 làn xe cơ giới, 2 làn đường gom hỗn hợp và vỉa hè).

- Cao tốc Pháp-Vân – Cầu Giẽ: Thực hiện theo Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21/01/2010, bề rộng mặt cắt ngang điển hình B = 71,5-128m, cấp hạng là đường cao tốc loại A, quy mô 6 làn xe cao tốc và đường gom song hành

hai bên.

- Cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5: xây dựng mới tuyến đường theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy mô mặt cắt ngang điển hình B = 90m (6 làn cao tốc, những đoạn qua đô thị xây dựng đường gom song hành 2 bên).

- Trục Đỗ Xá - Quan Sơn: Xây dựng mới tuyến đường theo hướng Đông – Tây, quy mô mặt cắt ngang điển hình B = 36,5m, cấp hạng là đường cấp II đồng bằng (4 làn xe). Đoạn qua đô thị vệ tinh Phú Xuyên xây dựng theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị, quy mô mặt cắt ngang điển hình B = 62m (6 làn xe tốc độ cao và đường gom địa phương song hành hai bên).

- Tỉnh lộ 428: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô mặt cắt ngang B = 20,5m (4 làn xe cơ giới).

- Tỉnh lộ 429: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô mặt cắt ngang B = 20;5m-(4 làn xe cơ giới). Đoạn tuyến trong phạm vi đô thị vệ tinh Phú Xuyên xây dựng theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị, quy mô mặt cắt ngang điển hình B = 62m (6 làn xe tốc độ cao và đường gom địa phương song hành hai bên).

- Đường Ngọc Hồi – Phú Xuyên (trục kinh tế phía Nam): Xây dựng mới tuyến theo hướng Bắc – Nam, kết nối huyện Phú Xuyên với đô thị trung tâm, bề rộng mặt cắt ngang B = 40m (6 làn xe cơ giới).

- Đường đê sông Hồng: nâng cấp cải tạo mở rộng mái đê và mặt đê kết hợp làm đường giao thông, quy mô B = 8-10m (2-làn xe).

- Trục phát triển kinh tế Bắc Nam: Xây dựng mới tuyến theo hướng Đông - Tây, kết nối từ các huyện phía Tây đến tuyến đường Đỗ Xá – Quan Sơn tại địa phận huyện Phú Xuyên, quy mô mặt cắt ngang điển hình B=42m (6 làn xe).

Bản đồ định hướng phát triển giao thông huyện Phú Xuyên
Bản đồ định hướng phát triển giao thông huyện Phú Xuyên

Xem thêm: Quy hoạch phân khu đô thị S4, thành phố Hà Nội đến năm 2030

Hệ thống giao thông đô thị

- Xây dựng hệ thống đường đô thị trong phạm vi đô thị vệ tinh Phú Xuyên gồm: Đường chính đô thị có bề rộng mặt cắt ngang đường B = 36-62m (6-8 làn xe cơ giới); Đường liên khu vực có bề rộng mặt cắt ngang điển hình B = 34-40m (4-6 làn xe cơ giới); Đường cấp khu vực có bề rộng mặt cắt ngang điển hình B = 25-40m (4-6 làn xe).

- Xây dựng hệ thống các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe công cộng tập trung trong phạm vi đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

- Hệ thống giao thông đô thị được xác định cụ thể theo đồ án Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Phú-Xuyên được duyệt.

Hệ thống đường liên huyện, liên xã

- Đường huyện: nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp III, cấp IV đồng bằng; Xây dựng tuyến đường gom phía Đông đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo dự án đầu tư được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-UBND ngày 28/01/2013. Các đoạn tuyến qua khu vực đô thị, khu vực dân cư sinh sống tập trung xây dựng hoàn chỉnh vỉa hè theo tiêu chuẩn đường đô thị.

- Đường cấp xã, thôn: nâng cấp, cải tạo hệ thống đường liên xã trên cơ sở đường hiện có và xây dựng mới một số tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp V, VI hoặc cấp đường A giao thông nông thôn.

Hệ thống giao thông công cộng

- Xây dựng hệ thống các tuyến xe buýt trên các tuyến đường đối ngoại (trừ đường cao tốc) và trên các tuyến đường đô thị trong phạm vi đô thị vệ tinh Phú Xuyên (từ đường cấp khu vực trở lên). Cụ thể được thực hiện theo quy hoạch chuyên ngành mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thành phố.

Bản đồ quy hoạch huyện Phú Xuyên - Kế hoạch sử dụng đất

Vào ngày 31/01/2023, UBND tỉnh Hà Nội đã ban hành Quyết định số 608/QĐ-UBND liên quan đến việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Phú Xuyên.

Kế hoạch sử dụng đất trong năm 2023 của huyện Phú Xuyên đã được phê duyệt với các diện tích cụ thể như sau: Đất nông nghiệp có diện tích 11.449,12 ha, đất phi nông nghiệp chiếm 5.832,90 ha và diện tích đất ở đô thị là 74,15 ha.

Năm 2023, kế hoạch thu hồi đất tại huyện Phú Xuyên sẽ được thực hiện với diện tích tổng cộng theo từng loại đất như sau: Đất nông nghiệp sẽ thu hồi 281,34 ha và đất phi nông nghiệp là 13,62 ha.

Bên cạnh đó, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong năm 2023 của huyện Phú Xuyên cũng được xác định chi tiết như sau: Diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp là 281,34 ha, trong khi không có diện tích nào trong nội bộ đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu sử dụng. Đồng thời, diện tích đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sẽ được chuyển đổi sang đất ở với diện tích là 2,07 ha.

Xem thêm: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030

Bản đồ quy hoạch huyện Phú Xuyên - Kế hoạch sử dụng đất
Bản đồ quy hoạch huyện Phú Xuyên - Kế hoạch sử dụng đất

Trên đây là những thông tin bản đồ quy hoạch huyện Phú Xuyên, hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong các kế hoạch đầu tư sắp tới. Đừng quên theo dõi Đất Vàng Việt Nam để được cập nhật những thông tin mới nhất về quy hoạch, tin dự án, giá đất và thị trường bất động sản nhé!​